Nghị viện châu Âu đưa trí tuệ nhân tạo vào tầm ngắm

VHO- Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua dự thảo đạo luật về chế tài trí tuệ nhân tạo sau hai năm thảo luận và thỏa hiệp lẫn nhau giữa các phe phái chính trị trong EP.

Nghị viện châu Âu đưa trí tuệ nhân tạo vào tầm ngắm - Anh 1

 Những ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT không thuộc diện bị chế tài của EP khắt khe

Tuy còn phải mất khoảng hai năm nữa thì đạo luật này mới có hiệu lực trên thực tế, vì nó còn phải được tất cả 27 thành viên hiện tại của EU phê chuẩn, EP vẫn được coi là đi tiên phong trên thế giới về chế tài trí tuệ nhân tạo vì đạo luật vừa được EP thông qua kia là đạo luật đầu tiên trên thế giới về chế tài trí tuệ nhân tạo.

Từ một vài năm nay, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới. Những ứng dụng của nó cho đến nay vẫn còn chưa thật sự nhiều nhưng đã chứng tỏ khả năng sáng tạo không thể lường hết được của trí tuệ nhân tạo, cả tích cực lẫn tiêu cực. Vì thế, vấn đề đặt ra ngay cùng với việc tiếp tục nghiên cứu và phát triển, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo đối với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là khích lệ và thúc đẩy, nhưng đồng thời cũng phải quản lý và kiểm soát việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. EP nhằm tới hai mục đích ấy với đạo luật mới này.

Cách tiếp cận của EP về chế tài trí tuệ nhân tạo, là minh bạch hóa tất cả những gì có liên quan đến trí tuệ nhân tạo để người sử dụng và những ai liên quan đến đều nhận biết và ý thức về tác dụng hai mặt của trí tuệ nhân tạo. Cụ thể ở đây là 3 khía cạnh: Mọi sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ “có bàn tay” tham gia của trí tuệ nhân tạo đều phải được đánh dấu rõ ràng để ai ai cũng có thể nhận biết, phân loại mức độ rủi ro trong việc ứng dụng trí tuệ nhân đạo và sử dụng những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, đồng thời cấm vận dụng trí tuệ nhân tạo hay ứng dụng nào đấy của trí tuệ nhân tạo khi thấy cần thiết. Nói theo cách khác, đạo luật này của EP đặt ra những tiêu chí và tiêu chuẩn cơ bản ban đầu cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Chẳng hạn như đạo luật này có những quy định cấm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích và dự đoán “ứng xử xã hội” của con người hay có thể gây ra rủi ro và nguy hiểm đối với các quyền cơ bản của con người, đối với nền dân chủ và nhà nước pháp quyền ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT không thuộc diện bị chế tài khắt khe vì chỉ bị coi là ứng dụng về tổng hợp và xử lý văn bản.

Tinh thần của đạo luật này còn là khẳng định chính quyền phải kiểm soát trí tuệ nhân tạo. Nhà nước quốc gia thành viên EU phải thành lập cơ quan, xây dựng cơ chế và bố trí nhân lực để “kiểm định” tất cả những gì có liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Phía chế tạo ra những ứng dụng trí tuệ nhân tạo phải công khai và tuân thủ những quy định hiện hành về bản quyền đối với những thông tin và dữ liệu đã sử dụng nhằm “huấn luyện” trí tuệ nhân tạo.

Cách đặt vấn đề của EP về chế tài trí tuệ nhân tạo là đúng đắn và thức thời, sự ra đời của những đạo luật cụ thể nhằm chế tài trí tuệ nhân tạo là rất cần thiết, nhưng chỉ với những nội dung luật vừa được EP thông qua không thôi đã đủ để chế tài hiệu quả trí tuệ nhân tạo chưa thì lại là chuyện khác. Điều có thể chắc chắn được rằng, chính quyền ở các quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ phải quan tâm ngày càng nhiều hơn đến chuyện chế tài trí tuệ nhân tạo và chuyện chế tài trí tuệ nhân tạo là nội dung không những chỉ hiện diện mà còn được dành cho vị trí ưu tiên trên chương trình nghị sự của chính trị thế giới và quan hệ quốc tế trong thời gian tới.

 LƯ PHỔ ÂN

 

Ý kiến bạn đọc